Họ sống trong khu tập thể đơn sơ giữa đại ngàn, xa cách người thân, xa cách những tiện nghi của cuộc sống hiện đại để làm công việc lặng thầm: Tuần tra, canh gác bảo vệ rừng.
Đời người dưới tán rừng
Mùa Xuân Tây Nguyên đã đến... Cái lạnh những ngày cuối đông nơi đại ngàn như cứa vào da thịt. Chúng tôi về xã Sơn Lang huyện Kbang (Gia Lai) để tìm gặp những con người sống và làm việc giữa chốn núi rừng. Tiếp tục lần theo sự chỉ dẫn của người dân, gần 3 giờ đồng hồ sau mới vào tới Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng.
Anh Minh nở nụ cười rạng rỡ khi thấy “nhà có khách”: “Bất ngờ quá! Thật hiếm khi được tiếp khách thế này. Lính gác rừng chúng tôi chỉ có nước chè xanh đãi khách thôi”. Bên đống lửa đón mừng Noel đốt lên giữa sân, chúng tôi được nghe những câu chuyện của những người gác rừng nơi đây. Anh Minh lại cười: “Người lính gác rừng chúng tôi là vậy đó. Hôm nào cũng tới lúc đốt đèn mới về đến nhà”…
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nằm cách xa trung tâm thị trấn Kbang 70 km, đi lại cực kỳ khó khăn, nhất là vào những ngày mưa. Lúc đó, bữa cơm chỉ có cá khô và rau rừng. Hầu hết những nhân viên của Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng đều trẻ. Bất chấp điều kiện làm việc khó khăn nguy hiểm, sinh hoạt thiếu thốn, với bầu nhiệt huyết và tình yêu rừng, họ đã đi theo tiếng gọi của núi rừng lên sống và làm việc ở đây.
Học xong Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên, Phạm Thị Thanh Nhàn về với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. “Hoa lạc giữa rừng”, cô trở thành người nữ gác rừng duy nhất trong Khu Bảo tồn. Cô gái phố thị ngày nào còn e ngại với chốn rừng thiêng nước độc nay đã “bén duyên” với nơi này. Nhàn kể: “Những ngày mới lên, em thấy tủi thân lắm, vừa sợ, vừa nhớ nhà. Để vượt qua nỗi nhớ và sự thiếu thốn trong cuộc sống, em luôn nhắc lòng: Làm lâm nghiệp là phải ở rừng chứ ở đâu nữa! Lâu dần rồi cũng quen. Ngày trước, mỗi khi nghe tiếng chim lạ, tiếng kêu của heo rừng, hay tiếng mang tác em cũng dựng tóc gáy. Bây giờ thì hết rồi, chỉ thấy nhớ nhà nhiều hơn”.
Tình yêu với rừng
Được thành lập năm 2004, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc địa phận huyện Kbang. Hiện Khu Bảo tồn có 18 cán bộ, nhân viên chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 15.446 ha rừng tự nhiên nằm ở 8 tiểu khu, tiếp giáp với 3 tỉnh: Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi (theo chỉ tiêu cho phép, Khu Bảo tồn này phải có 36 cán bộ, nhân viên). Tuy nhiên, khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động cũng như điều kiện nơi công tác khó khăn nên Ban Quản lý không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Trịnh Viết Ty- Giám đốc Khu Bảo tồn cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã tuyển được một số kỹ sư, nhưng do nơi làm việc quá xa và khó khăn, tiền lương thấp lại không có phụ cấp nên họ đã bỏ việc. Vừa qua, tỉnh cũng cho phép tuyển dụng thêm, nhưng đối tượng nộp hồ sơ gần như không có”. Với việc khó khăn trong công tác tuyển dụng, nên trách nhiệm của những thành viên trong khu bảo tồn này ngày càng trở nên nặng nề hơn. Mỗi người phải làm việc bằng hai.
Để được nếm trải cái cảm giác “lọt thỏm” giữa đại ngàn, chúng tôi theo chân đội tuần tra vào rừng. Vừa đi, anh Minh vừa kể: “Nhiều đêm ngủ cũng không yên giấc, nghe bà con báo tin có lâm tặc đang hoạt động là cả tổ phải lên đường ngay. Trời tối, đường rừng càng khó đi. Có những đêm, chúng tôi ròng rã băng rừng đến sáng mới tiếp cận được hiện trường. Khó khăn nhất là những khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn, lâm tặc ở đây chỉ mất vài giờ để tiếp cận Khu Bảo tồn, còn chúng tôi sau khi nhận được tin báo, phải mất hơn 2 ngày đi bộ mới tới mục tiêu”.
Theo chân họ vào rừng, chúng tôi mới thấu hiểu hết được những gian nan, thách thức của những chiến sĩ bảo vệ rừng nơi đây. Mỗi chuyến tuần tra là mỗi lần thân thể bị nổi ghẻ vì vắt rừng và ruồi vàng cắn. Những đêm dầm mưa, những ngày nhịn đói, nhịn khát… diễn ra như cơm bữa. “Một lần đi rừng bị lạc, tìm mãi không thấy đường về, càng về đêm, trời mưa mỗi lúc một lớn, cả đội phải móc võng nằm giữa rừng sâu. Chưa tìm được lối về mà lương thực không còn. Khi về đến nhà, cả đội đều kiệt sức, phải mấy ngày sau mới hồi phục được”- Nhàn nhớ lại.
Ông Trịnh Viết Ty hồ hởi khoe: “Địa bàn tuy rất phức tạp, nhưng chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ rừng. Trong những năm qua, Khu Bảo tồn đã ngày một giàu lên, không xảy ra những vụ xâm hại rừng. Để làm được việc này, ngoài việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, chúng tôi còn phối hợp với UBND các huyện, xã, các trạm kiểm lâm có địa bàn giáp ranh với Khu Bảo tồn để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn các đối tượng lâm tặc có hành vi xâm hại Khu Bảo tồn”.
Lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm đối với nghề của những chiến sĩ bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thật đáng khâm phục. Bất giác, trong tôi cứ ngân lên câu hát: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây/Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người…”.
Tác giả bài viết: Vy Thảo
Nguồn tin: baogialai.com.vn