• Phone: 
  • info@konchurang.org

Nỗ lực để những cánh rừng mãi xanh

08/01/2019

Nỗ lực để những cánh rừng mãi xanh

Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kon Chư Răng cách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh 12 km về phía tây và được nối liền với nhau bởi các giải rừng tự nhiên. Nhờ vậy, hai khu bảo vệ này và giải hành lang rừng đã tạo ra một diện tích sinh cảnh đủ rộng cho các quần thể thú lớn như Hổ Panthera tigris sinh sống.

   KBTTN Kon Chư Răng nằm trên địa phận xã Sơn Lang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai có diện tích 15.446 ha, trong đó còn tới gần 10 000 ha rừng cơ bản là rừng nguyên sinh.

    KBTTN Kon Chư Răng có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn, nhưng chưa được đầu tư thích đáng nên chưa phát huy được thế mạnh này.

      Kiểu rừng chính ở đây là rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao từ 900m đến 1000m ở phía tây bắc khu bảo tồn, chiếm 70-80% diện tích rừng trong khu vực với thành phần thực vật ưu thế là các loài cây thuộc họ dẻ, mộc lan mọc hỗn giao với các loài cây lá kim như: Thông Nàng, Hoàng Đàn Giả...

 

thac502-min
    Theo kết quả các đợt khảo sát của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) và Birdlife International (Tổ chức Chim Quốc tế) năm 1999, KBTTN Kon Chư Răng có 546 loài thực vật bậc cao, đặc biệt có tới 09 loài đặc hữu của Việt Nam (tương đương với số loài đặc hữu ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh). Kết quả khảo sát cũng đã ghi nhận Kon Chư Răng có 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm. Trong số các loài thú, nơi đây có 25 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới; có 03 loài thú đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương là Voọc Chà Vá chân xám, Vượn má hung và Mang lớn. Ngoài ra, Kon Chư Răng còn là một trong số rất ít các khu vực có ghi nhận (mặc dù không chính thức) loài Hươu Vàng (còn gọi là Hươu đầm lầy) – được xem là loài đặc hữu cho vùng Đông Dương hiện đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng và hai loài chim ghi nhận tại khu vực hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu là Trĩ sao Rheinardia ocellata và Chân bơi Heliopais personata.

   Kon Chư Răng là một bộ phận của vùng Chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum và là một trong những vùng chim quan trọng tại Việt Nam (Tordoff 2002). Đặc biệt trong đó có 5 loài chim có vùng phân bố hẹp được ghi nhận là Trĩ sao, Khướu đầu đen Garrulax milleti, Khướu má trắng G. vassali, Khướu mỏ dài Jabouilleia danjoui và Chích chạch má xám Macronous kelleyii… 

    Trước những yêu cầu cấp bách về việc bảo tồn và phát triển vốn quý của rừng Kon Chư Răng, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập theo quyết định số 28/2004/QĐ-UB ngày 18/03/2004 của UBND tỉnh Gia Lai và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2004. BQL hiện có 30 cán bộ, nhân viên chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 15.446 ha rừng tự nhiên nằm ở 15 tiểu khu, tiếp giáp với ba tỉnh: Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi. Là lực lượng quản lý bảo vệ rừng tận gốc, cuộc sống của đội ngũ CBCNV Ban quản lý KBTTN Kon Chư Răng luôn gắn bó với rừng – nơi xa xôi hẻo lánh, đi lại khó khăn, giá cả đắt đỏ, các dịch vụ xã hội hầu như chưa vươn tới, những hiểm họa từ bệnh nhiệt đới, thú dữ, lâm tặc…luôn rình rập.

  Vất vả, khó khăn, gian khổ là thế nhưng những người giữ rừng ở Kon Chư Răng vẫn luôn quyết tâm bám rừng, bám dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

  thac501-min
     Ngay sau khi KBTTN Kon Chư Răng được thành lập, ban quản lý K BTTN Kon Chư Răng đã có nhiều sáng kiến, giải pháp Quản lý bảo vệ rừng hữu hiệu như: Ra quyết định giao công tác QLBV rừng cho từng tổ, nhóm, từng cán bộ QLBV rừng cụ thể, QLBV rừng ở từng tiểu khu rừng cụ thể, nên đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ QLBV rừng ở Ban quản lý KBTTN Kon Chư Răng, chính vì vậy chỉ sau vài năm độ che phủ và chất lượng rừng nơi đây phục hồi nhanh chóng, điều này trái ngược hoàn toàn với các khu rừng khác trên địa bàn tỉnh Gia lai.
 

 Năm 2009, Phân Viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam Trung bộ và Tây nguyên giải đoán ảnh vệ tinh đã cho thấy, số lượng và chất lượng rừng ở khu BTTN Kon Chư Răng đang được tăng lên rõ rệt, riêng tỷ lệ rừng giàu, rừng TB của Khu BTTN Kon Chư Răng đang biến động theo chiều hướng tăng lên tới 30% so với năm 2004. Hiện nay, độ che phủ rừng Kon Chư Răng đạt tới 99,6 % cao nhất so với tất cả các khu rừng Đặc dụng trên toàn Quốc.

   Tuy nhiên do lực lượng mỏng, diễn biến nạn phá rừng cũng như những tác động trực tiếp của các hoạt động KT-XH gần đây ở trong KBTTN và vùng đệm của KBTTN Kon Chư Răng đã gây không ít khó khăn cho BQL KBTTN Kon Chư Răng.

    Nếu như trước đây, các tác động tổng thể của con người lên KBTTN Kon Chư Răng được coi là thấp so với các khu vực khác trong cả nước thì tình hình hiện nay đã, đang và sẽ ngày càng phức tạp hơn nhiều. Xung quanh KBTTN Kon Chư Răng hiện có khoảng hơn 1.000 người dân sinh sống, phần lớn là người dân tộc thiểu số Ba Na. Các mối đe dọa dến KBTTN Kon Chư Răng như phá rừng làm nương rẫy, trồng cà phê, săn bắt động vật, khai thác lâm sản của người dân và cháy rừng tuy có tăng lên nhưng hiện nay Ban quản lý KBTTN Kon Chư Răng còn đang kiểm soát được, nhưng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng như dự án làm đường Đông Trường Sơn, dự án xây đập thủy điện Sơn lang 1, Sơn lang 2, thủy diện Vĩnh sơn 2 và dự án khai thác Bôxít ở trong và vùng đệm của khu BTTN Kon Chư Răng đã, đang và sẽ là những mối đe dọa đến sự sống còn của khu bảo tồn này.

   Bên cạnh những giá trị thiết thực về kinh tế - xã hội mà các dự án này mang lại thì mặt trái của nó là sức ép rất lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí có thể dẫn đến sự phá vỡ hoàn toàn hệ sinh thái tự nhiên của khu bảo tồn thiên nhiên.

   Đơn cử như hệ lụy của dự án đường Đông Trường Sơn - tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh- quốc phòng trên địa bàn trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên. Sau khi tuyến quốc lộ mới này hoàn thành, việc giao thông, giao thương sẽ rất thuận lợi nhưng bên cạnh đó nó cũng sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập ồ ạt của con người vào vùng đệm của Khu BTTN Kon Chư Răng dẫn đến tình trạng vận chuyển trái phép gỗ lậu, động vật hoang dã và các sản phẩm rừng ra khỏi khu bảo tồn dự kiến sẽ phức tạp hơn.

 
  Theo đánh giá sơ bộ, các dự án xây đập thủy điện trong khu bảo tồn có khả năng sẽ gây ngập đến 400 ha rừng, gây tiếng ồn, phá vỡ môi trường sinh thái, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh sống của động, thực vật. của KBTTN Kon Chư Răng, những dự án xây đập thủy điện như vậy có thể sẽ dẫn đến tàn phá hoàn toàn khu bảo tồn thiên nhiên này.

   Những tác động trên đã và đang khiến BQL KBTTN Kon Chư Răng – những người giữ rừng tâm huyết phải trăn trở. Nguồn tài nguyên rừng quý giá nhưng hữu hạn và cần thiết được chăm sóc, bảo vệ. Trách nhiệm đó là của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng chứ không phải của riêng ai và của riêng một ngành nào. Chính vì vậy, BQL KBTNN Kon Chư Răng rất mong Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, nghiên cứu hướng triển khai hợp lý nhất các dự án kinh tế- xã hội để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của nó đến nguồn tài nguyên rừng. Đồng thời nhanh chóng thực thi các chính sách ưu đãi liên quan đến những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên nhằm giữ lại những cánh rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh cuối cùng cho Tổ quốc.