Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học (Viện Điều tra qui hoạch rừng và Birdlife International, 2001), để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng xác định việc xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học như sau: Điều tra tổng thể đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn; xây dựng danh lục động thực vật; thu thập, làm tiêu bản mẫu động thực vật để lưu trữ, khẳng định các giá trị đa dạng sinh học đã ghi nhận; các nghiên cứu đánh giá giá trị quần thể, loài động thực vật đặc hữu, quí hiếm… Những việc này nhằm đạt mục tiêu cuối cùng khẳng định sự tồn tại các giá trị đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn từ đó xây dựng qui hoạch, kế hoạch quản lý tốt đa dạng sinh học.
Kết quả tổng hợp cập nhật tới thời điểm hiện tại về thực vật có 883 loài và dưới loài thuộc 547 chi và 162 họ thực vật của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, Hệ động vật rất đa dạng và phong phú với tổng số: 719 loài thuộc 112 họ và 33 bộ trong đó có 508 loài động vật có xương sống và 211 loài động vật không xương sống.
Quần thể Vượn má vàng trung bộ (Nomascus annamensis) là một trong những loài thú linh trưởng đang bị đe dọa nghiêm trọng trên thế giới. Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận được Vượn má vàng trung bộ phân bố ở Trung Bộ Việt Nam, Lào và Campuchia, vì thế có thể xem loài Vượn này là loài đặc hữu Đông Dương. Vượn là loài linh trưởng rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường sống. Chính vì vậy, các tác động đến rừng và sinh cảnh sống có thể gây ra các ảnh hưởng lớn với chúng. Tuy nhiên, các loài Vượn nói chung, và loài Vượn má vàng trung bộ nói riêng, đang bị giảm nghiêm trọng bởi săn bắn và mất sinh cảnh sống. Quần thể Vượn má vàng trung bộ, ở Việt Nam đang suy giảm tại tất cả các khu vực phân bố, nơi mà trước đây chúng được ghi nhận là có mặt.
Hình 1: Hình ảnh loài Vượn má vàng Trung Bộ/ Nguồn ảnh: FZS
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là khu vực có sự phân bố của loài Vượn nguy cấp quý hiếm này. Tuy nhiên, công tác bảo tồn các loài linh trưởng nói chung và loài Vượn má hung tại Ban quản lý Khu bảo tồn Kon Chư Răng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác quản lý và điều tra hiện trạng của các loài trong giai đoạn những năm trước đây. Thông tin về tình trạng và phân bố quần thể Vượn tại địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa được cập nhật kịp thời (tại KBTTN Kon Chư Răng từ năm 2010). Nhiều khu vực chưa được tiến hành điều tra quần thể. Số lượng các cuộc điều tra hiện trạng, phân bố của quần thể, điều tra về tập tính, đa dạng sinh học, dự án hỗ trợ bảo tồn liên quan đến bảo tồn linh trưởng còn rất ít, đặc biệt là các loài Vượn, do vậy thông tin chưa được cập nhật phục vụ công tác bảo tồn.
Dựa trên tính cấp thiết ban quản lý Khu bảo tồn Kon Chư Răng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam thực hiện 01 chương trình dài hạn trong giai đoạn 2021 - đến năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, dựa trên quyết định số 1427 CCKL_QLBVR&BTTN về việc hợp tác nghiên cứu, bảo tồn loài Vượn má vàng Trung bộ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Tiến hành thực hiện phối hợp nghiên cứu bảo tồn loài Vượn má vàng Trung bộ thực hiện một số hoạt động động bảo tồn trong từng năm thực hiện.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cùng thực hiện với 3 mục tiêu chính của dự án hợp tác: (1) Nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng trong việc giám sát và thực thi pháp luật thông qua đào tạo và hỗ trợ thực tế. Lực lượng bảo vệ rừng sẽ tham gia bảo vệ môi trường sống của loài Vượn; (2) giám sát hiệu quả quần thể Vượn má vàng Trung Bộ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; (3) Nâng cao nhận thức về bảo tồn động thực vật hoang dã cho người dân địa phương sinh sống xung quanh vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Hình 02: Hoạt động bảo tồn Vượn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nguồn ảnh FZS
Qua quá trình thực hiện công tác nghiên cứu và bảo tồn Vượn tại khu bảo tồn thực hiện hằng năm và đạt được các kết quả mong đợi. Sự tham gia của người dân địa phương hiểu về giá trị bảo vệ loài Vượn quý hiếm. Được tham gia vào công tác tuyên truyền của cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Hơn thế nữa, hoạt động truyền thông đến các bạn khách tham quan hiểu hơn về loài vượn. Tham gia bảo vệ môi trường khi tham gia tham quan trải nghiệm tại ban quản lý. Sự chung tay ý thức của cả cộng đồng đối với rừng đặc dụng tại khu bảo tồn, và có ý thức bảo vệ cho sự bình yên của các loài động vật nói riêng và loài Vượn má vàng Trung Bộ nói chung.
Sau thời gian quyết tâm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn loài Vượn. Cung cấp dữ liệu cho khoa học và tỉnh Gia Lai. Bước đầu, tại ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã phối hợp tốt với Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam – Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt Xanh (GreenViet). Kết quả Về hoạt động bảo tồn Vượn tại KBT: Dựa trên báo cáo kết quả kết quả 3 năm thực hiện tại ban quản lý KBT Kon Chư Răng. Đã cung cấp dữ liệu về hoạt đông giám sát quần thể vượn tại khu bảo tồn. Cụ thể, số lượng 08 đàn tăng 20% số lượng quần thể giám sát trong giai đoạn 2021 - 2023.
Công tác nghiên cứu bảo tồn Vượn được xem là nhiệm vụ quan trọng tại đơn vị Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Định hướng của ban quản lý trong thời gian tới sẽ thực hiện các giải pháp kịp thời hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ loài khỏi các yếu tố tác động tới sinh thái, môi trường sống của loài Vượn. Nâng cao ý thức và nhận thức từ cộng đồng, khách tham quan bằng các hành động cụ thể.
Tác giả: Nguyễn Văn Tứ
Chức vụ: Phó Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng